Giai đoạn đầu Dân Quốc Diêm Tích Sơn

Diêm Tích Sơn đầu thập niên 1920, không lâu sau khi lên nắm quyền tại Sơn Tây.

Xung đột với Viên Thế Khải

Năm 1911, Diêm Tích Sơn hy vọng hợp quân với một nhà cách mạng nổi bật khác tại Sơn Tây là Ngô Lộc Trinh, nhằm làm suy yếu quyền kiểm soát của Viên Thế Khải tại miền Bắc Trung Quốc, song các kế hoạch này bỏ dở sau khi Ngô Lộc Trinh bị ám sát.[5] Diêm Tích Sơn được các chiến hữu bầu làm đô đốc của Sơn Tây, nhưng không ngăn nổi lực lượng Viên Thế Khải đánh chiếm phần lớn Sơn Tây trong năm 1913. Trong cuộc tấn công này, Diêm Tích Sơn chỉ có thể rút lui về hướng bắc và liên kết với một nhóm vũ trang thân thiện ở tỉnh Thiểm Tây láng giềng. Nhờ tránh đối diện trực tiếp với quân của Viên Thế Khải, Diêm Tích Sơn duy trì được nền tảng sức mạnh của mình. Mặc dù là bạn của Tôn Trung Sơn, song Diêm Tích Sơn quay sang ủng hộ Viên Thế Khải vào năm 1913, nhờ đó được Viên Thế Khải phục chức đô đốc của Sơn Tây, chỉ huy một quân đội mà sau đó nhân viên thuộc cấp đều là người của Viên Thế Khải.[4] Năm 1917, không lâu sau khi Viên Thế Khải từ trần, Diêm Tích Sơn củng cố quyền thống trị Sơn Tây.[7] Sau cái chết của Viên Thế Khải năm 1916, Trung Quốc chìm trong một thời kỳ quân phiệt.

Thái độ kiên quyết chống Thanh của Sơn Tây là một yếu tố khiến Viên Thế Khải tin rằng chỉ có lật đổ nhà Thanh mới đem lại hòa bình cho Trung Hoa và chấm dứt nội chiến. Sự bất lực của Diêm Tích Sơn trước sức mạnh quân sự của Viên Thế Khải ở miền Bắc Trung Hoa cũng là một yếu tố khiến Tôn Trung Sơn quyết định không theo đuổi chức Đại tổng thống được thiết lập sau khi nhà Thanh sụp đổ. Ngoài ra, Tôn Trung Sơn cho rằng tiếp tục nội chiến tương tàn với lực lượng của Viên Thế Khải không bằng nhường lại cho Viên Thế Khải chức đại tổng thống để củng cố chế độ Dân Quốc, dù Viên Thế Khải là đối thủ (tiềm năng) của cách mạng.[8]

Những nỗ lực hiện đại hóa Sơn Tây

Cho tới năm 1911, Sơn Tây là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Diêm Tích Sơn tin rằng, nếu ông không hiện đại hóa kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng Sơn Tây, thì ông sẽ không ngăn nổi các quân phiệt từ các nơi khác tràn vào tỉnh.[9] Một thất bại năm 1919 trước một quân phiệt kình địch càng khiến Diêm Tích Sơn tin rằng Sơn Tây chưa đủ phát triển để cạnh tranh quyền bá chủ với các quân phiệt khác, và do đó ông tránh tham gia vào những tranh chấp chính trị cấp quốc gia và duy trì chính sách trung lập, giữ Sơn Tây ở ngoài các cuộc nội chiến. Thay vào đó, Diêm Tích Sơn tập trung toàn lực để hiện đại hóa Sơn Tây và tăng cường nội lực của tỉnh. Thành công từ những cải cách này khiến ông được ca tụng là vị "Tỉnh trưởng kiểu mẫu", còn Sơn Tây là "tỉnh kiểu mẫu".[4]

Quyết tâm hiện đại hóa Sơn Tây của Diêm Tích Sơn chủ yếu bắt nguồn từ những trải nghiệm của ông tại Nhật Bản, nhưng cũng nhờ vào sự tiếp xúc với các nhân vật ngoại quốc từng đến Sơn Tây vào năm 1918 để giúp Diêm Tích Sơn diệt trừ bệnh dịch đương hoành hành trong tỉnh. Diêm Tích Sơn ấn tượng trước sự nhiệt tình, tài năng và quan điểm hiện đại của họ, và sau đó so sánh giữa họ với những viên chức bảo thủ và thường lãnh đạm dưới quyền mình. Những cuộc đàm luận với các nhân vật cải cách nổi tiếng khác, bao gồm John Dewey, Hồ Thích, và người bạn thân của Diêm Tích Sơn là Khổng Tường Hy, càng củng cố quyết tâm của Diêm Tích Sơn trong việc Tây phương hóa Sơn Tây.[10]

Tham gia Chiến tranh Bắc phạt

Nhằm duy trì tính trung lập của Sơn Tây và tránh xung đột lớn với các thế lực quân phiệt khác, Diêm Tích Sơn sử dụng chiến lược luân phiên thay đổi đồng minh giữa các phái hệ quân phiệt khác nhau, chỉ chắc chắn gia nhập vào bên chắc thắng. Dù yếu hơn so với nhiều quân phiệt xung quanh, song ông thường cố gắng giữ cân bằng giữa các đối thủ láng giềng, ngay cả những người từng bị ông phản bội cũng lưỡng lự trong việc trả đũa ông, do họ có thể còn cần sự ủng hộ của ông trong tương lai. Trong giai đoạn Quốc Dân đảng Bắc phạt, Diêm Tích Sơn liên minh với lực lượng của Tưởng Giới Thạch vào năm năm 1927 nhằm chống quân phiệt Phụng hệ Trương Tác Lâm tại Mãn Châu. Tháng 6 năm 1928, Diêm Tích Sơn chiếm được Bắc Kinh, kết thúc thắng lợi cuộc Bắc phạt.[11] Diêm Tích Sơn được Tưởng Giới Thạch ban thưởng các chức Bộ trưởng Bộ Nội chính[12] và Phó tổng tư lệnh Lục-hải-không quân.[13] Do ủng hộ các chiến dịch quân sự và công cuộc đàn áp Cộng sản của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch công nhận Diêm Tích Sơn là chủ tịch của tỉnh Sơn Tây, và cho phép Diêm Tích Sơn khuếch trương ảnh hưởng của mình đến Hà Bắc.[5]

Tham gia Đại chiến Trung Nguyên

Diêm Tích Sơn: "Tổng thống kế nhiệm của Trung Hoa".

Liên minh giữa Diêm Tích Sơn và Tưởng Giới Thạch kết thúc vào năm sau, 1929, khi Diêm Tích Sơn cùng các đối thủ của Tưởng Giới Thạch thiết lập một chính phủ Quốc dân thay thế tại miền bắc Trung Quốc. Các đồng mình của Diêm Tích Sơn gồm Phùng Ngọc Tường ở miền bắc, Lý Tông Nhân tại Quảng Tây, và phe tả trong Quốc dân đảng dưới quyền Uông Tinh Vệ. Trong khi quân của Phùng Ngọc Tường và Tưởng Giới Thạch tiêu diệt lẫn nhau, Diêm Tích Sơn tiến thẳng vào Sơn Đông mà gần như không gặp kháng cự, chiếm được tỉnh lị vào tháng 6 năm 1930. Sau thắng lợi này, Diêm Tích Sơn lập ra một chính phủ mới, tư mình làm chủ tịch, và triệu tập một "Hội nghị mở rộng đảng bộ Trung Quốc Quốc dân đảng". Hội nghị này có mục đích soạn thảo ra một bản hiến pháp mới, có sự tham dự của nhiều yếu nhân trong đảng và quân đội, như Uông Tinh Vệ (giữ chức Thủ tướng của Diêm Tích Sơn) và Lý Tông Nhân. Nhưng mọi việc thất bại sau khi Tưởng Giới Thạch đánh bại Phùng Ngọc Tường rồi tiến đánh Sơn Đông, tiêu diệt quân đội của Diêm Tích Sơn. Khi quân phiệt Phụng hệ Trương Học Lương tại Mãn Châu công khai tuyên bố đi theo Tưởng Giới Thạch (vì cần sự hỗ trợ của Tưởng Giới Thạch để chống lại Nga Xô và Nhật Bản), Diêm Tích Sơn trốn đến Đại Liên thuộc Mãn Châu, đến năm 1931 mới trở về Sơn Tây không bị xâm chiếm sau khi làm hòa với Tưởng Giới Thạch.[11][14] Trong Trung Nguyên đại chiến này, Tưởng Giới Thạch khuyến khích người HồiMông Cổ tiến hành lật đổ cả Phùng Ngọc Tường và Diêm Tích Sơn.[15] Chiến thắng của Tưởng Giới Thạch trước Diêm Tích Sơn và Phùng Ngọc Tường năm 1930 được một số người cho là đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ quân phiệt Trung Hoa.

Những sự kiện từ năm 1927-1931 được cho là do những chiến lược của các lãnh chúa quân phiệt vốn thường trông gió trở cờ, sớm đầu tối đánh, đã trở thành đặc trưng trong chính trị Trung Hoa kể từ khi chính phủ trung ương rơi vào cảnh suy sụp từ một thập kỷ trước. Nguyên nhân chính khiến Diêm Tích Sơn thất bại là do những vùng Diêm Tích Sơn kiểm soát có dân cư thưa thớt và kém phát triển, khiến ông không thể đưa ra chiến trường quân đội đông đảo và trang bị hoàn thiện như của Tưởng Giới Thạch đương thời.[11] Diêm Tích Sơn cũng không có những sĩ quan tài giỏi như các sĩ quan của Tưởng Giới Thạch, hay không có thanh thế được như Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng vào đương thời.[16] Trước khi Tưởng Giới Thạch đánh bại Phùng Ngọc Tường và Diêm Tích Sơn, Diêm Tích Sơn xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME, với dòng chú thích "Tổng thống tiếp theo của Trung Hoa."[17] Sự chú ý của các nhà quan sát ngoại quốc, cũng như sự ủng hộ và trợ giúp từ các chính khách Trung Hoa cao cấp, cho thấy rằng Diêm Tích Sơn có nhiều khả năng trở thành lãnh tụ mới của Trung Hoa trong trường hợp Tưởng Giới Thạch không chiến thắng được liên minh Diêm Tích Sơn-Phùng Ngọc Tường.

Trở về Sơn Tây

Diêm Tích Sơn chỉ trở về được Sơn Tây sau một nỗ lực vận động trên chính trường. Lý do chính khiến Tưởng Giới Thạch không thể loại trừ ngay những thuộc hạ của Diêm Tích Sơn và nhờ đó vĩnh viễn tiêu diệt thế lực của ông tại Sơn Tây là do áp lực của Trương Học Lương và Nhật Bản, vì họ đều lo ngại trước khả năng Tưởng Giới Thạch mở rộng thế lực sang Mãn Châu. Khi Diêm Tích Sơn vắng mặt, chính phủ dân sự tỉnh Sơn Tây ngừng hoạt động, và nhiều thủ lĩnh quân sự trong tỉnh đấu tranh với nhau nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực, buộc Tưởng Giới Thạch phải bổ nhiệm các thuộc hạ của Diêm Tích Sơn làm các lãnh đạo tỉnh. Dù không chính thức tuyên bố quay lại chính trường ngay lúc đó, Diêm Tích Sơn trở về Sơn Tây năm 1931 với sự ủng hộ và bảo hộ của Trương Học Lương. Tưởng Giới Thạch không lên tiếng phản đối vì còn đang bận giao tranh với quân của Lý Tông Nhân- người hành quân đến miền bắc tỉnh Hồ Nam từ căn cứ địa tại Quảng Tây với danh nghĩa là ủng hộ Diêm Tích Sơn.[18]

Khi Chính phủ trung ương tại Nam Kinh thất bại trong việc kháng cự trước quân Nhật Bản tại Mãn Châu sau Sự biến Thẩm Dương, Diêm Tích Sơn và phe đảng có cơ hội loại bỏ không chính thức các quan chức Quốc dân đảng tại đây. Ngày 18 tháng 12 năm 1931, một nhóm sinh viên (được các thuộc hạ của Diêm Tích Sơn ủng hộ và có lẽ là chỉ đạo) tại Thái Nguyên tập hợp phản đối chính sách nhân nhượng Nhật Bản của chính phủ Nam Kinh. Cuộc biểu tình trở nên bạo lực đến nỗi cảnh sát Quốc dân đảng nổ súng vào đám đông. Sự kiện này gây ra một làn sóng giận dữ, tạo điều kiện cho các quan chức của Diêm Tích Sơn thừa cơ trục xuất các quan chức Quốc dân đảng khỏi tỉnh, viện cớ là để đảm bảo an ninh công cộng. Sau sự kiện này, tổ chức Quốc dân đảng tại Sơn Tây chỉ còn trên danh nghĩa với các thành viên trung thành với Diêm Tích Sơn còn hơn cả với Tưởng Giới Thạch.[19]

Những khó khăn trong tương lai nhằm đảm bảo lòng trung thành của các quân phiệt khắp Trung Hoa, cuộc nội chiến kéo dài với Cộng sản đảng, hay mối đe dọa xâm chiếm ngày càng gia tăng từ phía Nhật Bản, buộc Tưởng Giới Thạch phải để Diêm Tích Sơn giữ chức chủ nhiệm sở tuy tĩnh Thái Nguyên năm 1932, rồi ủy viên Ủy ban Mông-Tạng của chính phủ trung ương. Năm 1934, Tưởng Giới Thạch đi máy bay đến Thái Nguyên, tại đó ông ta ca ngợi chính quyền của Diêm Tích Sơn nhằm đáp lại việc Diêm Tích Sơn ủng hộ công khai Chính phủ Nam Kinh. Bằng việc công khai tán dương chính phủ của Diêm Tích Sơn, Tưởng Giới Thạch trên thực tế thừa nhận quyền thống trị không tranh chấp của Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây.[20]

Mối quan hệ với Chính phủ Quốc dân về sau

Sau năm 1931, Diêm Tích Sơn vẫn giữ thái độ ủng hộ trên danh nghĩa với Chính phủ Nam Kinh, còn thực tế thì duy trì kiểm soát thực tế đối với Sơn Tây, thay đổi giữa hợp tác và xung đột với hoạt động của Cộng sản trong tỉnh. Dù không trực tiếp tham gia song Diêm Tích Sơn ủng hộ Sự biến Tây An 1936, khi Tưởng Giới Thạch bị lực lượng của Trương Học Lương bắt giữ, và chỉ được thả ra sau khi Tưởng Giới Thạch đồng ý thiết lập hòa bình với Đảng Cộng sản và thành lập một "mặt trận thống nhất" cùng kháng Nhật. Trong thư gửi Trương Học Lương năm 1936, Diêm Tích Sơn cho rằng mối bất hòa ngày càng gia tăng giữa Diêm Tích Sơn và Tưởng Giới Thạch là do Diêm Tích Sơn lo ngại về cuộc xâm lược của Nhật Bản và vận mệnh sau đó của Trung Quốc, và do Diêm Tích Sơn không tin tưởng vào tính đúng đắn của việc tập trung nguồn lực của Trung Quốc trong các chiến dịch chống Cộng.[7] Chính trong Sự biến Tây An, bản thân Diêm Tích Sơn tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán, gửi phái viên để ngăn việc hành quyết Tưởng Giới Thạch (và cuộc nội chiến mà Diêm Tích Sơn tin rằng nhất định sẽ nổ ra nếu Tưởng Giới Thạch chết), trong khi thúc đẩy thành lập mặt trận thống nhất kháng Nhật.[21]

Quan hệ tài chính giữa Sơn Tây và chính phủ trung ương vẫn phức tạp. Diêm Tích Sơn thành công trong việc thiết lập một tổ hợp công nghiệp nặng xung quanh Thái Nguyên, nhưng lại sao lãng trong việc công khai quy mô thành công ra bên ngoài Sơn Tây, có lẽ là để đánh lừa Tưởng Giới Thạch. Dù đạt được những thành công nhất định trong công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp Sơn Tây, Diêm Tích Sơn vẫn liên tiếp yêu cầu chính phủ trung ương hỗ trợ tài chính để dùng mở rộng đường sắt địa phương và những việc khác, nhưng thường bị từ chối. Khi Diêm Tích Sơn từ chối nộp thuế muối (được sản xuất tại các công xưởng Sơn Tây) về cho chính phủ trung ương, Tưởng Giới Thạch đáp trả bằng cách lũng đoạn thị trường muối ở Hoa Bắc với rất nhiều muối (sản xuất tại vùng duyên hải Trung Hoa) đến mức giá muối ở các tỉnh Hoa Bắc rớt thảm hại: do giá muối quá thấp, các tỉnh lân cận gần như hoàn toàn ngừng mua muối Sơn Tây. Năm 1935, Tưởng Giới Thạch công bố một bản "kế hoạch 5 năm" để hiện đại hóa Trung Quốc, có lẽ là chịu nhiều ảnh hưởng từ "kế hoạch 10 năm" mà Diêm Tích Sơn đề ra vài năm trước đó.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diêm Tích Sơn http://books.google.ca/books?id=ib-sEZzxkb4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rfu-hR8msh4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rsLQdBUgyMUC&print... http://www.time.com/time/covers/0,16641,19300519,0... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://tw.myblog.yahoo.com/lulu-lisa/article?mid=1... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005